Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Sản xuất và tiêu thụ bền vững (Sustainable Consumption and Production, SCP) là những hoạt động không thể tách rời trong nền kinh tế tuần hoàn. Thực tế là xuyên suốt lịch sử phát triển văn minh của nhân loại, con người, từ thời cổ đại, đã biết tái sử dụng hay tái chế công cụ, dụng cụ và khả năng đó phát triển qua thời gian cùng với sự tiến bộ của công nghệ, văn hoá – xã hội và cả niềm tin tôn giáo. Thế kỷ 20 và 21 đã và đang chứng kiến tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức, biến đổi khí hậu tước đoạt và đe doạ sinh cảnh của hàng triệu người dân ở hàng chục quốc gia trên khắp năm châu lục. Vì thế tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm và bền vững là một yêu cầu và nhu cầu bức thiết của mọi ngành, mọi lĩnh vực.


Học phần này sẽ cung cấp các kiến thức cơ bản và chuyên sâu về sản xuất và tiêu dùng bền vững dưới các khía cạnh đa chiều, liên ngành nhằm giúp học viên xây dựng bức tranh tổng thể về các tác động môi trường, xã hội, kinh tế từ các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác nhau. Các vấn đề cơ bản trong sản xuất và tiêu dùng bền vững được giảng dạy và thảo luận trong từng chuyên đề cụ thể. Học viên được tiếp cận các chính sách, cơ hội hợp tác quốc tế, và cách thức thực hiện các cải tiến hướng tới bền vững trong các ngành sản xuất trực tiếp cũng như là các ngành dịch vụ, như du lịch, ngân hàng.

Học phần được cấu trúc thành các chuyên đề về phương pháp tiếp cận sản xuất và tiêu dùng bền vững dành cho các lĩnh vực cụ thể như là: sản xuất, du lịch, ngân hàng là những lĩnh vực có ảnh hưởng lớn tới phát triển bền vững của nền kinh tế. Học  viên sẽ tham gia thảo luận tích cực các nội dung khác nhau: các khía cạnh của sản xuất và tiêu dùng bền vững, các công cụ thực hiện đối với các cấp độ khác nhau, chính sách và các thỏa thuận quốc tế đến thay đổi hành vi  của các cá nhân.


Kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững

Dân số toàn cầu dự kiến sẽ đạt 9,7 tỷ người vào năm 2050. Nếu loài người vẫn tiếp tục sản xuất và tiêu dùng như hiện tại, để đáp ứng mức tiêu thụ tài nguyên, sử dụng năng lượng và xử lý chất thải ở năm 2050, phải cần tới 2.3 hành tinh Trái đất (Bell, 2016). Con số trên đủ để cảnh báo tất cả chúng ta về sự an nguy đối với hành tinh này. Đề giải quyết hiệu quả cho những vấn đề môi trường, xã hội và kinh tế được đề cập ở trên, đòi hỏi tất cả mọi chủ thể từ chính phủ, khu vực tư nhân, xã hội dân sự và mọi cá nhân trên toàn thế giới phải làm phần việc của mình. Đặc biệt, cần phải thực hiện những thay đổi đáng kể trong nhận thức, hành vi của công chúng và cộng đồng học thuật đối với các vấn đề toàn cầu về phát triển bền vững (UNESCO, 2017a).  

Học phần này được thiết kế nhằm giới thiệu về 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và phân tích vai trò của từng nhóm chủ thể trong xã hội đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, khái niệm và các mô hình kinh tế tuần hoàn cũng sẽ được khám phá, vì kinh tế tuần hoàn là chìa khóa để phát triển bền vững