Thực hành - Blended learning

Tài chính Quốc tế là một môn học hiện đại vì nó liên tục được cập nhật theo nhịp điệu phát triển của thị trường tài chính toàn cầu. Có thể nói nội dung của Tài Chính Quốc Tế khá rộng, nó bao hàm những xu hướng vận động mang tính toàn cầu của các thị trường, định chế tài chính, các sản phẩm và kỹ thuật tài chính cho đến việc ban hành các chính sách công xuất phát từ nhu cầu điều tiết và quản lý thị trường tài chính của Chính phủ.

Cụ thể, môn học tài chính quốc tế cung cấp cho người học kiến thức để phân tích mối liên hệ giữa ba vấn đề kinh tế vĩ mô quan trọng và có liên quan mật thiết đến nhau trong một nền kinh tế mở đó là tỷ giá, chiều hướng vận động của dòng vốn và khủng hoảng tài chính. Để làm điều đó, một mặt môn học này trang bị cho học viên kiến thức về các lý thuyết kinh điển trong tài chính quốc tế thể hiện mối tương quan giữa các biến số kinh tế vĩ mô như lạm phát, lãi suất và tỷ giá như ngang giá lãi suất, ngang giá sức mua và hiệu ứng Fisher quốc tế. Mặt khác, môn học Tài chính quốc tế còn cung cấp cho người học các kiến thức liên quan đến cán cân thanh toán quốc tế, qua đó giúp người học phân tích được xu hướng vận động của dòng thương mại, dòng vốn quốc tế và ảnh hưởng nó đến sức khỏe của nền kinh tế. Ngoài ra, môn học này cũng cung cấp các kiến thức liên quan đến các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá; sự thực thi các chính sách tỷ giá hối đoái của chính phủ và các mô hình khủng hoảng tài chính xảy ra trong vài thập niên trở lại đây.

Sau khi học xong môn học, sinh viên có thể hiểu được sự vận hành của thị trường tài chính quốc tế và các giao dịch trên thị trường ngoại hối, hiểu được cán cân thanh toán quốc tế và các nhân tố tác động, hiểu được ưu nhược điểm của các cơ chế tỷ giá và can thiệp của chính phủ, hiểu và giải thích được mối quan hệ giữa các nhân tố kinh tế vĩ mô cũng như các cơ chế khủng hoảng tài chính.